Đây là một đề tài có thể nói rộng và sâu được. Và đây cũng là một thứ mà trong khóa học “Medical literacy: the essential course” mình luôn nhấn mạnh với các bạn học viên. Nhưng nếu phải chia sẻ ngắn gọn những lời khuyên thì các bạn cần nhớ những điều sau đây:
1. CHÚNG TA KHÔNG ĐỨNG CÙNG MỘT MẶT PHẲNG
Những cuốn sách thường được viết ra bởi những người rất giỏi. Giữa tác giả y văn và người đọc thường có một khoảng cách không nhỏ về kiến thức. Tùy theo mức độ tác giả ý thức việc đó, và cũng tùy vào tác giả muốn nhắm vào đối tượng độc giả nào mà sẽ lựa mức trình độ sàn cho phù hợp. Thuật ngữ tiếng Anh gọi mức sàn đó là “ground zero”.
Giả sử như ông giáo sư muốn viết một chương sách dành cho đối tượng từ y3 trở lên đọc, ông sẽ mặc định là kiến thức giải phẫu, sinh lý y1, y2 ông không cần phải nhắc lại nữa. Vậy là ông đã đưa ra một mức “ground zero” rõ ràng (thực ra cũng chẳng rõ ràng gì, vì ông có nói cho người đọc biết đâu).
Nếu một sinh viên y khoa quên đi một vài mảnh ghép giải phẫu, anh ta phải bơi về quá khứ, tìm nhặt mảnh ghép đó, nhét vào đầu rồi mới tiếp tục đọc tài liệu của ông giáo sư nọ được. Hoặc nếu anh ta chưa biết thuật ngữ giải phẫu cần cho phần đó thì tự anh ta phải tra tìm trong một cuốn sách khác.
Như vậy, một cuốn textbook không được viết cho mọi người đọc, chỉ khi nào bạn đáp ứng được mức “ground zero” thì mới cảm thấy dễ chịu khi đọc. Nhưng làm sao tôi biết mức “ground zero” nào để đáp ứng cơ chứ? Vâng, đó chính là vấn đề khi chọn sách: bạn phải lựa chọn sách cho phù hợp. Lúc mới bắt đầu tập tành đọc textbook y khoa vào cuối năm 2, mình chọn Harrison để đọc. Vì mọi người vẫn luôn miệng nói về nó, đến mức lúc ấy mình ngỡ như không đọc Harrison tức là không đọc y văn vậy. Rồi lúc mở Harrison ra để đọc, mình cảm thấy bị choáng ngợp bởi văn phong hàn lâm trong đó, bởi khối lượng kiến thức đồ sộ nặng nề trong đó. Mình không theo nổi mạch văn của tác giả, mình bị lạc ngay trong chính cuốn sách đã chọn. Sau đó mình tìm đọc “Guyton and Hall: Medical Physiology”. Cảm giác dễ chịu hơn hẳn. Sau này mình mới nghiệm ra đó là vấn đề về mức sàn: lúc ấy mình thiếu cả về mức sàn tiếng Anh chuyên ngành lẫn mức sàn kiến thức. Một anh “lính mới hạng lông” lựa chọn đối mặt một “nhà vô địch hạng nặng” trong lần thượng đài đầu tiên, và mình đã bị knock-out ngay, không đỡ được đòn nào.
Có hàng ngàn đầu sách y khoa, hãy đừng tự giới hạn bản thân trong một hai đầu sách nổi tiếng. Việc đó cũng giống như bạn đang đứng dưới mặt đất rồi chọn leo lên lầu 5, trong khi bạn chưa hình dung cái thang ở chỗ nào cả (bạn sẽ tự tạo ra cái thang cho mình nhờ quá trình luyện tập đọc sách một cách đều đặn). Trong quá trình lục lọi kho y văn, mình thấy series “made ridiculously easy” viết cũng khá ổn (tất nhiên không phải 100% đều ổn), hay với dược lý thì sách “Basic and Clinical Pharmacology” của tác giả Bertram G. Katzung viết cũng rất hay, dễ hiểu. Dòng sách The Washington manual: subspecialty consult series” về thực hành lâm sàng là một dòng sách không nên bỏ qua. Và còn nhiều nhiều sách hay nữa đang chờ các bạn khám phá. Hoặc thậm chí các bạn có thể xây nền cho mình bằng các tài liệu dễ hiểu dành cho người không trong chuyên ngành, tùy chuyên khoa, có một số tài liệu khá hay.
Vậy bây giờ mình muốn đọc một cuốn sách có “ground zero” cao hơn mức trình độ của mình thì phải làm thế nào? Câu trả lời rất đơn giản: hãy đọc sách đó song song với việc bổ sung kiến thức của bản thân. Sẽ không dễ chịu khi đọc kiểu ấy đâu. Nhưng nếu bạn đã ý thức được trong đầu rằng bạn có thể giải quyết vấn đề khi bạn lấp đầy được khoảng trống giữa mức kiến thức của bạn và mức sàn kiến thức của sách, thì bạn sẽ thấy rằng việc đọc những cuốn sách “hạng sang” không phải là một vấn đề bất khả thi. Đó là vấn đề của sự kiên nhẫn.
2. HÃY ĐI THEO KIM CHỈ NAM “PLAIN ENGLISH”
Có nhiều cách viết. Có cách viết dễ đọc, có cách viết khó đọc. Khi bạn đọc một cuốn sách thì bạn không thể điều khiến người ta viết theo kiểu bạn muốn, mà phải tìm cách “đối phó” với cách viết khó hiểu của người ta. Vì bạn đang là người đi mưu cầu kiến thức. Hãy xem thử sự khác nhau giữa một đoạn khó đọc và một đoạn y chang như vậy nhưng đã được viết lại theo kiểu plain English:
*** Although reducing heart rate will decrease myocardial oxygen consumption and will improve diastolic function and coronary perfusion, for patients with sepsis, an inadequate chronotropic response may potentially negatively affect cardiac output and tissue perfusion.
*** For a patient with sepsis, a slow heart rate may cut cardiac output and tissue perfusion. For a patient without sepsis, slowing the heart rate slows the heart’s oxygen use. It also helps diastolic function and coronary perfusion.
Khi phân tích một văn bản khó đọc, hãy ghi nhớ các nguyên tắc của “plain English” để hiểu nghĩa của câu:
- Keep the subject and verb close together in the first seven or eight words => tìm nhanh chủ ngữ và động từ chính của câu để xác định nghĩa chính của câu.
- Keep sentence length 15 words average, 25 words maximum => Nếu câu tác giả viết dài dòng quá, hãy tự cắt (trong đầu, hay dùng bút đánh dấu gì đấy) thành nhiều câu/ý nhỏ khác nhau. Dĩ nhiên trong những câu/ý cắt ra, sẽ có câu/ý chính và phụ.
- Put the main point first and then give commentary, detail or support => đừng cố hiểu ý nghĩa mọi thứ ngay từ ban đầu, hãy hiểu nghĩa chính trước, các ý râu ria bổ nghĩa hiểu sau cũng được.
Đọc textbook khó cũng giống như việc bạn leo lên trên đỉnh lâu đài để tìm gặp nàng Rapunzel vậy. Lựa chọn một nàng Rapunzel dưới thấp chẳng phải sẽ dễ dàng hơn sao? Nhưng nếu bạn thực sự muốn gặp một nàng công chúa tóc vàng ở tít trên cao, ok, đó chỉ là vấn đề của sự kiên nhẫn. Từng bước, từng bước một.
Thêm nữa là chỉ đọc bài này thì cũng không lên level ngay đâu. Phải thực tập. Thật nhiều, thật nhiều.